Đang gửi...

CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG THƯỜNG DÙNG CHO DOANH NGHIỆP

Cập nhật: 10/10/2023

Hợp đồng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy  để hiểu rõ hơn về hợp đồng hãy theo dõi bài viết dưới đây.

I. HỢP ĐỒNG VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN THƯỜNG CÓ TRONG HỢP ĐỒNG

1. Hợp đồng là gì?

Căn cứ Điều 385 Bộ luật Dân sự hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm  dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hay còn được hiểu đơn giản là sự cam kết giữa các bên để làm hoặc không làm một việc nào đó trong khuôn khổ pháp luật.

2. Nội dung cơ bản thường có trong hợp đồng

Về nội dung trong hợp đồng thì các bên có thể thỏa thuận nội dung, các điều khoản của hợp đồng nhưng không được trái với quy định của pháp luật. Nội dung cơ bản của một hợp đồng thường có các điều khoản sau đây:

  • Thông tin các bên thực hiện hợp đồng: tên công ty, họ và tên, địa chỉ, số cccd…
  • Đối tượng của hợp đồng
  • Số lượng, chất lượng
  • Giá, phương thức thanh toán
  • Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
  • Quyền, nghĩa vụ các bên
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
  • Phương thức giải quyết tranh chấp

II. CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG THƯỜNG DÙNG TRONG DOANH NGHIỆP

1. Hợp đồng lao động

Căn cứ Điều 13 Bộ luật Lao động thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng với người lao động.

Các loại hợp đồng lao động:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng lao động xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoản thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
  • Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng

Nội dung cơ bản của hợp đồng lao động:

  • Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc người đại diện hợp pháp
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số căn cước công dân hoặc giấy tờ pháp lý cá nhân khác của người lao động
  • Công việc và địa điểm làm việc
  • Thời hạn của hợp đồng lao động
  • Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
  • Chế độ nâng bậc, nâng lương
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
  • Trang bị bảo hộ lao động (nếu có)
  • Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
  • Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

2. Hợp đồng góp vốn

Hợp đồng góp vốn là hợp đồng về việc các bên cùng nhau góp tài sản, công sức để cùng thực hiện một công việc nào đó.

Ví dụ: hợp đồng góp vốn thành lập công ty, hợp đồng góp vốn sản xuất…

Đối tượng của hợp đồng góp vốn: quyền sử dụng đất, tiền mặt, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản…

Điều khoản cơ bản của hợp đồng góp vốn:

  • Chủ thể của hợp đồng góp vốn
  • Điều khoản về mục đích góp vốn trong hợp đồng góp vốn
  • Hình thức, phương thức góp vốn trong hợp đồng góp vốn
  • Góp vốn bằng tài sản trong hợp đồng góp vốn
  • Góp vốn bằng sức lao động
  • Giá trị góp vốn
  • Thời hạn góp vốn
  • Sử dụng vốn góp
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng góp vốn
  • Quyền và nghĩa vụ của từng bên trong hợp đồng góp vốn
  • Phân chia lợi nhuận và rủi ro trong hợp đồng góp vốn
  • Rút phần vốn góp và Chuyển nhượng phần vốn góp
  • Chấm dứt hợp tác
  • Tranh chấp khiếu nại hợp đồng góp vốn

3. Hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán thiết bị,...

Điều khoản trong hợp đồng cần có:

  • Thông tin bên mua và bên bán: tên công ty, họ và tên, địa chỉ, số CMND,…
  • Số lượng, chất lượng hàng hóa
  • Giá, phương thức thanh toán
  • Thời hạn, địa điểm, phương thức chuyển giao hàng hóa và giấy tờ, chứng từ liên quan
  • Quyền, nghĩa vụ của bên mua và bên bán
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
  • Phương thức giải quyết tranh chấp

4. Hợp đồng vay vốn

Hợp đồng vay vốn là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay vốn (tiền, tài sản) cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả vốn cho bên vay và trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định

Ví dụ: Hợp đồng vay vốn ngân hàng

Điều khoản trong hợp đồng cần có:

  • Thông tin đầy đủ của các bên cho vay, bên vay
  • Nêu rõ thời hạn cho vay cũng như phương thức cho vay
  • Lãi suất cho vay bao gồm con số lãi suất cụ thể, quy định ngày trả và các yêu cầu cụ thể khác liên quan
  • Các biện pháp bảo đảm hợp đồng
  • Trách nhiệm chi trả những phí tổn có liên quan đến hợp đồng
  • Nghĩa vụ của bên cho vay và bên vay
  • Các điều kiện về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hay là về sửa đổi, bổ sung, thanh lý

5. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Điều khoản trong hợp đồng ủy quyền cần có:

  • Thông tin của bên ủy quyền: tên công ty, tên người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở
  • Thông tin của bên được ủy quyền: Họ và tên, căn cước công dân
  • Nội dung ủy quyền
  • Quyền và nghĩa vụ các bên
  • Thời gian hiệu lực của hợp đồng
  • Lời cam kết và chữ ký các bên

Trên đây, chúng tôi đã kể ra những loại hợp đồng thường thấy trong doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 02462.930.982 – 0988073181 hoặc email lawyers@hdluat.com - doanhnghiep@hdluat.com. HD Luật luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và đưa đến cho Quý khách những thông tin hữu ích nhất. Rất mong được hợp tác với Quý khách hàng!