10 điểm mới quan trọng trong thủ tục xin cấp giấy phép lao động 2021
Bộ Luật Lao động 2019 đã thay đổi rất nhiều quy định về lao động, trong đó có lao động nước ngoài. Hướng dẫn thi hành một số quy định về lao động nước ngoài là Nghị định 152/2020, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2021. Dưới đây, sẽ là tổng hợp một số điểm thay đổi quan trọng.
1. Chứng minh là Chuyên gia
Không còn giấy tờ gọi là ” Xác nhận chuyên gia” nữa. Thay vào đó, để chứng minh là chuyên gia thì cần là một trong 2 trường hợp sau:
a) Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm. Lưu ý kinh nghiệm làm việc, bằng cấp và công việc phải phù hợp với nhau.
b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.
2. Chứng minh là Lao động kỹ thuật
a) Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo;
b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Trong đó điểm b ở trên là quy định mới.
3. Đối tượng không thuộc diện cấp Giấy phép lao động (Miễn Giấy phép lao động)
Đối tượng được miễn cấp GPLĐ đã có sự thay đổi đáng chú ý. Đặc biệt là các đối tượng:
a. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty TNHH có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
b. Là Chủ tịch HĐQT hoặc thành viên HĐQT của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
c. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
d. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.
4. Không cần xin xác nhận miễn Giấy phép lao động cho một số đối tượng
Đó là quy định tại Khoản 2, Điều 8 của NĐ 152. Theo đó, có một số đối tượng không thuộc diện cấp GPLĐ không cần phải xin xác nhận miễn như trước.
Đáng chú ý là các đối tượng:
a. Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty TNHH có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
b. Là Chủ tịch HĐQT hoặc thành viên HĐQT của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
c. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam…
Thay vào đó, chỉ cần báo cáo với Bộ hoặc Sở LĐ-TBXH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc
5. Thủ tục xác nhận miễn Giấy phép lao động
Đáng chú ý trong thủ tục này là các giấy tờ nước ngoài không được miễn hợp pháp hóa lãnh sự nữa. Đây là quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 8 trong NĐ 152/2020:
e) Các giấy tờ quy định tại điểm b, c và đ khoản này là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực. Nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và có chứng thực. Trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
6. Các Form mẫu thủ tục có sự thay đổi hoàn toàn
Kể từ ngày NĐ 152 có hiệu lực, thì các Mẫu đơn như mẫu số 1, mẫu số 2 … sẽ có sự thay đổi. Doanh nghiệp chú ý sử dụng đúng các mẫu đơn khi thực hiện thủ tục giấy phép lao động 2021.
Xem thêm: Thủ tục xin miễn giấy phép lao động 2021
7. Thời gian nộp hồ sơ xin giấy phép có thay đổi
– Đối với hồ sơ xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ:
Nộp hồ sơ trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến bắt đầu làm việc (thay vì 7 ngày “làm việc” như trước). Thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan nhà nước là 5 ngày làm việc. (Thay vì 3 ngày như trước)
– Đối vời hồ sơ cấp Giấy phép lao động
Nộp hồ sơ trước ít nhất 15 ngày kẻ từ ngày dự kiến làm việc (thay vì 15 ngày “làm việc” như trước).
8. Cấp lại Giấy phép lao động
Điều 12. NĐ 152/2020 quy định các trường hợp cấp lại giấy phép lao động
a. Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất.
b. Giấy phép lao động còn thời hạn bị hỏng.
c. Thay đổi họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.
Và thời hạn của GPLĐ đươc cấp lại là thời hạn còn lại của GPLĐ cũ.
Thực sự là rõ ràng hơn trước rất nhiều.
9. Gia hạn giấy phép lao động
Đây là một quy định hoàn toàn mới và rất quan trọng trong thủ tục cấp giấy phép lao động 2021. Cụm từ gia hạn Giấy phép lao động đã được sử dụng từ lâu nhưng thực sự đến nay mới được hợp pháp hóa.
GPLĐ chỉ được gia hạn trong trường hợp “Giấy phép lao động đã được cấp còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày.” Trước đây thì trường hợp này được quy định là cấp lại GPLĐ.
Điều 19 của NĐ 152 cũng quy định, chỉ được gia hạn GPLĐ 1 lần.
10. Thu hồi GPLĐ
Nghị định 11/2016 trước đó cũng đã quy định về thu hồi GPLĐ. Tuy nhiên Điều 13, Nghị định 140/2018 đã bãi bỏ quy định này, tức là bỏ thủ tục thu hồi GPLĐ. Nay, Bộ luật Lao động 2012 và NĐ 152/2020 lại quy định về thu hồi GPLĐ.
Theo đó, cần lưu ý:
– Thu hồi tự nguyện: tức là khi GPLĐ hết hạn theo quy định. Lúc này, doanh nghiệp sẽ phải tự thực hiện thủ tục thu hồi GPLĐ rồi nộp lại cho cơ quan nhà nước. Sau 5 ngày làm việc, doanh nghiệp sẽ được cấp xác nhận đã thu hồi GPLĐ.
– Thu hồi bắt buộc: Là khi người lao động hay NSDLĐ cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam. Lúc này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra quyết định thu hồi lại GPLĐ, bắt buộc như 1 hình phạt.
Với những quy định mới ở trên, có thể thấy sự nghiêm khắc hơn trong việc quản lý và cấp phép liên quan đến lao động nước ngoài.
HD Luật chuyên cung cấp dịch vụ giấy phép lao động. Quý khách có nhu cầu xin liên hệ tới hotline của chúng tôi: 0965386682 để nhận được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.