Đang gửi...

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Cập nhật: 11/08/2022

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có thể chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình cho người khác khi chủ sở hữu không có nhu cầu sử dụng hoặc không còn điều kiện khai thác đối tượng sở hữu công nghiệp nữa. Vậy pháp luật quy định như thế nào về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và cần lưu ý gì khi thực hiện chuyển nhượng?

1. Quyền sở hữu công nghiệp và chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2019 thì Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Còn đối với chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, khoản 1 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Các quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Về hình thức:

Khoản 2 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ bắt buộc các bên phải thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

Về nội dung:

Theo Điều 140 Luật Sở hữu trí tuệ thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng

Trong đó, bên chuyển nhượng là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Trường hợp quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu của nhiều người thì việc chuyển nhượng phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu. Các bên trong hợp đồng chuyển nhượng có thể ủy quyền cho bên thứ ba thay mặt thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.

2. Căn cứ chuyển nhượng

Nếu là quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký thì căn cứ chuyển nhượng là văn bằng bảo hộ đang còn hiệu lực.

Nếu là quyền sở hữu trí tuệ phát sinh tự động thì bên chuyển nhượng phải cung cấp các tài liệu để chứng minh quyền sở hữu công nghiệp là hợp pháp của mình.

3. Giá chuyển nhượng

Các bên tự thỏa thuận về giá chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.

4. Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Quyền và nghĩa vụ do các bên thỏa thuận. Các thỏa thuận này không được vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng pháp luật cho phép các bên chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nhưng có một số hạn chế về điều kiện chuyển nhượng như:

- Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

- Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

- Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

1. Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

2. Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;

3. Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;

4. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;

5. Chứng từ nộp phí, lệ phí;

6. Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện tới Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cục sở hữu trí tuệ xem xét và xử lý hồ sơ:

- Trường hợp hồ sơ đăng ký có thiếu sót thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, ghi rõ các yêu cầu để người nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung các thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi về dự định từ chối đăng ký hợp đồng. Nếu người nộp hồ sơ không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến về dự định từ chối đăng ký trong thời hạn quy định thì ra quyết định từ chối ghi nhận chuyển nhượng.

- Trường hợp hồ sơ đăng ký không có thiếu sót thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới, tiến hành ghi nhận vào sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Thời hạn giải quyết: 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn chỉnh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HD Luật & FDICO. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần tư vấn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 0965904982. Trân trọng!