Đang gửi...

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU

Cập nhật: 05/10/2022

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chú trọng đến bảo hộ tài sản trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa vì đối tượng này được tạo ra dễ dàng hơn, thủ tục xác lập quyền cũng đơn giản hơn.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề cơ bản, đầu tiên và cốt lõi nhất của nhãn hiệu hàng hóa chính là nhãn hiệu đó có đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ hay không. Bởi vì trên thực tế đã có trường hợp các doanh nghiệp dành nhiều thời gian, công sức để thiết kế nhãn hiệu hàng hóa nhưng khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì không được bảo hộ vì không đáp ứng các điều kiện. Vậy, để được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cần các điều kiện gì? Các điều kiện này liệu có phức tạp không? HD Luật sẽ giải đáp ngay sau đây.

Theo quy định tại Điều 72, Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 thì nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc

Hiểu đơn giản đây là các dấu hiệu mà mắt thường có thể nhìn thấy được như chữ cái, hình ảnh, hình vẽ. Các dấu hiệu này có thể được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc khác nhau. Hiện nay, Luật SHTT năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 chưa ghi nhận âm thanh là dấu hiệu để nhận diện. Tuy nhiên, tới đây khi Luật SHTT sửa đổi bổ sung năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thì dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa sẽ là một trong các dấu hiệu nhận diện. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng dấu hiệu mới này để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác

Điều kiện quan trọng nhất đối với nhãn hiệu chính là khả năng phân biệt. Bởi vì chính điều kiện này giúp khác hàng, người tiêu dùng phân biệt được hàng hóa, nhãn hiệu này với các nhãn hiệu khác cũng như giúp tránh khỏi sự nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu.

Dấu hiệu có khả năng tự phân biệt nếu không thuộc các trường hợp sau:

- Dấu hiệu là các hình, chữ số, chữ cái không thông dụng. Ví dụ: tập hợp các từ dài và không có nghĩa “hsnwgflenw”, các hình đơn giản như hình vuông, hình tròn, hình tam giác...

- Các đối tượng là dấu hiệu, biểu tượng, quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến. Ví dụ: không thể đăng ký từ “xà phòng” cho các sản phẩm xà phòng, từ “mỹ phẩm” cho các loại mỹ phẩm.

- Các đối tượng là dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ: không thể sử dụng hình ảnh quyển sách để làm nhãn hiệu cho ấn phẩm sách báo.

- Các đối tượng là dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Ví dụ: nhãn hiệu của một công ty sản xuất bánh mì không thể là hình chiếc bánh mì được.

- Các đối tượng là dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ. Bởi vì chỉ dẫn địa lý là đặc trưng riêng có của nơi đó, vì vậy, chỉ dẫn địa lý không thể vừa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vừa được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

3. Không thuộc các trường hợp không được bảo hộ

Có 05 trường hợp nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ, gồm:

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước. Ví dụ: Không được dùng hình ảnh hình tròn màu đỏ trên nền màu trắng để làm nhãn hiệu cho các sản phẩm đồ điện tử vì dễ gây nhầm lẫn với quốc kỳ của Nhật Bản.

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép. Ví dụ: Không thể bảo hộ chữ “NATO” để làm nhãn hiệu của một doanh nghiệp.

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.

- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Hy vọng thông qua bài viết này của chúng tôi, Quý khách đã có thể hiểu rõ hơn về những rủi ro khi không đăng ký nhãn hiệu. Nếu Quý khách có vấn đề gì còn thắc mắc đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: 0988073181 hoặc email doanhnghiep@hdluat.com. Chúng tôi rất sẵn lòng để giải đáp những câu hỏi của Quý khách!