Đang gửi...

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT LOẠT QUY ĐỊNH QUAN TRỌNG VỀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

Cập nhật: 12/08/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

 

Nhiều vướng mắc trong thực hiện quy định quản lý tài sản công

 

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản công tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua thực hiện rà soát các quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương, cho thấy còn phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định.

Cụ thể như một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có quy định hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như: Trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành tài sản công; khai thác tài sản công sau thu hồi…

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai. Tuy nhiên, quy định hiện hành về bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì chỉ có hình thức giao đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Vướng mắc khác là một số trường hợp áp dụng theo trình tự, thủ tục xử lý tài sản công như quy định hiện hành chưa phù hợp như: xử lý tài sản công trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể do quy trình xử lý tài sản công hiện hành được xuất phát từ cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản đề xuất, lập hồ sơ đề nghị xử lý. 

Tuy nhiên trong các trường hợp này, có thể cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản công không còn tồn tại do đã bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể nên không thể áp dụng trình tự, thủ tục xử lý tài sản công thông thường.

Ngoài ra, một số loại tài sản công đặc thù cần phải được xử lý theo quy định riêng tại pháp luật chuyên ngành nhưng chưa có quy định loại trừ hoặc dẫn chiếu làm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị lúng túng trong áp dụng pháp luật như: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các sản phẩm cơ yếu...

Các quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Vì vậy để hoàn thiện các quy định chi tiết về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP là cần thiết.

Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về quản lý tài sản công

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng như: Giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước; về bảo dưỡng sửa chữa tài sản công; về khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước và tài sản công có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền; 

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá trụ sở làm việc; về việc chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý; về việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể.

Về việc phân loại tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao và tài sản công được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; 

Về việc xác định tiền thuê đất phải nộp khi đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê; sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết.

Thống nhất quy trình, thủ tục giao tài sản

Cụ thể về giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước, tại Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước; trong đó, đã quy định về loại tài sản giao cho cơ quan nhà nước sử dụng và thẩm quyền quyết định giao tài sản công.

Để thống nhất về quy trình, thủ tục giao tài sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định về việc giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước (bổ sung Điều 4a), theo đó, tài sản công được áp dụng hình thức giao tài sản cho cơ quan nhà nước thì được thực hiện theo quy định sau: Trình tự, thủ tục giao tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương VI Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Chương IX Nghị định này.

Trình tự, thủ tục giao tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định của Chính phủ về xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; Trình tự, thủ tục giao đất để xây dựng trụ sở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai...

Bổ sung quy định bảo dưỡng tài sản công

Về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, tại Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có quy định về việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Qua quá trình thực tế thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công đã phát sinh trường hợp cơ quan, đơn vị có nhu cầu tận thu vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc bảo dưỡng, sửa chữa (như: mái tôn, cửa gỗ,...) để tiết kiệm chi phí.

Đồng thời, qua đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật, do chủng loại tài sản công rất đa dạng, đặc biệt là các máy móc, thiết bị chuyên dùng; nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa áp dụng đối với tài sản công dẫn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cơ sở để triển khai thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa.  Vì vậy, tại dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công (bổ sung Điều 12a) để quy định các nội dung nêu trên.

Cụ thể việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định này và các pháp luật có liên quan. Trường hợp Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan, người có thẩm quyền chưa ban hành quy định, chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng sửa chữa đối với tài sản công theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Thủ trưởng cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất và thực tế sử dụng tài sản để quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản.

Vật tư, vật liệu thu hồi được trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công nếu có thể tiếp tục sử dụng thì cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản được tiếp tục sử dụng.

@ Báo điện tử Chính Phủ

 

HD Luật & Fdico chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý uy tín và chuyên nghiệp. Quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ của chúng tôi xin vui lòng liên hệ qua Hotline: 0965904982 để được tư vấn và hỗ trợ.